Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (bài 4)

Biên phòng - Trong những năm gần đây, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã trở thành vấn đề cấp thiết, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Thông qua các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học về vấn đề này, đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hội nhập, giao thoa văn hóa hiện nay.

Bài 4: Hiến kế để gìn giữ và vun đắp các giá trị văn hóa truyền thống

Phát huy vai trò của chủ thể văn hóa

Trong quá trình phát triển của xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tiêu biểu của các DTTS đang dần biến đổi, thậm chí không còn tồn tại trong cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn và lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam chia sẻ tại một buổi tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS. Ảnh: Thùy Chi

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam rất khổng lồ và vĩ đại. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã tiến hành nhận diện di sản này và đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, những thành tựu mới chỉ là bước đầu. Văn hóa và các giá trị truyền thống của các dân tộc cần được coi là động lực phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc, các vùng, miền trên cả nước.

Thực tế cho thấy, chủ thể DTTS, chủ thể kinh tế - xã hội, văn hóa có vai trò, tiếng nói quyết định đối với sự phát triển thông qua các chương trình, dự án. Do đó, trong chiến lược phát triển hiện nay, phải xây dựng quan niệm về chủ nhân, chủ thể văn hóa. Quan niệm và chỉ đạo thực hiện phải làm cho người dân thực sự có tiếng nói quyết định, không áp đặt dưới mọi hình thức đối với vấn đề phát triển của từng dân tộc, từng cộng đồng để mỗi người dân tự ý thức về trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc mình là yêu cầu sống còn đối với sự phát triển của mỗi dân tộc.

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025; trong đó, dành riêng Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đối tượng thụ hưởng là 3.434 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam cho rằng: Việc xây dựng bất cứ chương trình, dự án phát triển nào cũng cần phải quán triệt quan điểm thực sự kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Bên cạnh đó, cần xây dựng, khuyến khích đồng bào các dân tộc bồi đắp lòng tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình, bắt đầu từ những thành tố văn hóa nhỏ nhất cho đến hệ thống kiến thức địa phương, hệ thống quản lý cộng đồng truyền thống, hệ thống và các quan hệ kinh tế ở miền núi.

Để phát huy vai trò của chủ thể văn hóa, Tiến sĩ Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm dữ liệu di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu giải pháp: Cần xây dựng chương trình định kỳ hằng năm tuyên dương những người tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa; xây dựng các câu lạc bộ, đội văn nghệ tại địa phương, coi đây là hạt nhân cơ bản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tộc người. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những tấm gương nghệ nhân điển hình; có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân dân gian nhằm khích lệ tinh thần trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể.

Theo các chuyên gia, cần có chính sách phù hợp để phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Ảnh: Thùy Chi

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa

Tiến sĩ Vũ Diệu Trung cho rằng, các nhà quản lý văn hóa cần phải rà soát các văn bản quản lý nhà nước về bảo tồn văn hóa, xây dựng chính sách và biện pháp đầu tư để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống cũng như xây dựng đời sống văn hóa mới phù hợp đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS. Đồng thời, cần thiết phải soạn thảo, bổ sung các văn bản quản lý Nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền; có thái độ cởi mở hơn với các hình thức văn hóa tín ngưỡng dân gian; phát huy các mặt tích cực của những người hành nghề tín ngưỡng dân gian nhưng đồng thời vẫn phải bài trừ các hủ tục...

Theo Tiến sĩ Vũ Diệu Trung, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các xã, huyện, tỉnh phải xây dựng kế hoạch hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Coi nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là một phần của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua những việc làm cụ thể như: Tiến hành kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lựa chọn một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để bảo tồn bằng nhiều hình thức khác nhau; tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, phương tiện… cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Tiến sĩ Vũ Diệu Trung phân tích, hiện nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách lôi kéo một bộ phận đồng bào các DTTS đi theo các tà đạo, làm mai một những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc cũng như làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trở nên phức tạp. Vì thế, cần thiết thực hiện nghiêm túc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đồng thời, có những biện pháp ngăn chặn sự thâm nhập của tôn giáo mới không phù hợp với truyền thống văn hóa của các dân tộc.

“Thực tế cho thấy, ở địa phương nào làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa, đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào thì địa phương đó kinh tế, xã hội phát triển, an ninh, quốc phòng được đảm bảo” - Tiến sĩ Vũ Diệu Trung chia sẻ.

Tận dụng truyền thông đa phương tiện trong xu thế 4.0

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện nay, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, việc kết nối trong một không gian phẳng rất dễ dàng, thuận tiện. Ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần quan trọng thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến những giá trị văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng của dân tộc… đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Cần quan tâm tổ chức các lễ hội truyền thống để thu hút sự tham gia của đồng bào DTTS, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp. Ảnh: Thùy Chi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng cho rằng, việc sử dựng truyền thông đa phương tiện trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trong thời đại ngày nay là xu thế và là điều cần thiết. Đặc biệt, trong một xã hội hiện đại, với sự bùng nổ thông tin, công nghệ thì mỗi công dân không bị bỏ lại phía sau. Cũng nhờ công nghệ và phương thức truyền thông đa phương tiện cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, xóa bỏ khoảng cách về trình độ, về văn hóa, thậm chí về ngôn ngữ...

Để tận dụng truyền thông đa phương tiện trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng cho rằng, cần có các tổ chức, cơ quan quản lý về truyền thông, thông tin, văn hóa xây dựng các kênh Youtube, Tiktok, Facebook của cộng đồng, nhóm DTTS; xác lập hệ thống thông tin, lựa chọn thông tin và khai thác như một công cụ để xử lý, thông tin, tuyên truyền văn hóa, giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, khuyến khích các cá nhân nổi trội trong cộng đồng các dân tộc sử dụng các kênh Tiktok, Facebook, Youtube cá nhân để đăng tải các chủ đề liên quan đến địa danh, sản vật, nhân vật, truyền thống của các DTTS, tạo nên sức ảnh hưởng trong cộng đồng…

Để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, theo anh Thò Mí Pó, Trưởng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mặt khác, cần thực hiện tốt chính sách về biểu dương, khen thưởng đối với các gia đình, dòng họ tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian, người có uy tín; đẩy mạnh việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường để truyền dạy cho thế hệ trẻ…

Bài 5: Thế hệ trẻ - chủ thể giữ “nền móng” văn hóa vững chắc

Thùy Chi


top