Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (bài 3)

Biên phòng - Với hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được ban hành, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân các địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình triển khai thực hiện công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới…

Bài 3: Vẫn còn những thách thức cần được quan tâm giải quyết

Vẫn còn nhiều “rào cản”

Thực tế cho thấy, đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đây là nơi có điều kiện tự nhiên, xã hội khó khăn, địa hình cách trở, dân cư phân bố thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều, các tập tục lạc hậu còn ăn sâu vào tiềm thức của bà con… Do đó, việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo phát triển văn hóa còn có nhiều hạn chế.

Trang phục truyền thống của đồng bào DTTS chủ yếu được những người lớn tuổi sử dụng, trong khi đó, giới trẻ thường có xu hướng sử dụng các trang phục hiện đại. Ảnh: Thùy Chi

Điển hình, vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại nhiều địa phương; việc tang gia tổ chức ăn uống nhiều ngày liền gây tốn kém, nghèo đói; người chết để trong nhà lâu ngày mới mang đi chôn cất; tình trạng mê tín, dị đoan, cúng bái khi có người ốm đau vẫn còn diễn ra; nạn bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến; nếp sinh hoạt hằng ngày thiếu văn minh, gây ô nhiễm môi trường… Thậm chí, không ít trường hợp từ bỏ phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống để theo đi theo tà đạo hoặc các tôn giáo mới chưa được pháp luật công nhận.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay, tại một số địa phương, các chương trình, đề án về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS chậm được triển khai do thiếu kinh phí hoặc bộ máy chính quyền cơ sở còn thiếu quyết liệt, chưa nắm vững các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Trong khi đó, nguồn ngân sách Nhà nước cho hoạt động này ở vùng DTTS còn hạn hẹp; đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vừa thiếu về số lượng, vừa ít được trang bị các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, chế độ đãi ngộ còn thấp. Đặc biệt, các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng ngày càng lớn tuổi, trong khi một bộ phận lớp trẻ DTTS chưa mặn mà với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống... Tất cả những điều này đã trở thành “rào cản” đối với công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các DTTS.

Ông Trần Trọng Lưu, Chủ tịch Hội đồng quản trị HARAgroup - một doanh nghiệp có nhiều năm khai thác các dịch vụ du lịch, văn hóa ở vùng DTTS cho biết, tại nhiều vùng đồng bào DTTS, nhiều chính sách được thực hiện thông qua các dự án, đề án còn tách rời, biệt lập giữa văn hóa và phát triển kinh tế và giữa các ngành với nhau. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất về văn hóa ở nhiều vùng DTTS bị xuống cấp. Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tuy được đề cao nhưng còn thiếu các chính sách đãi ngộ thỏa đáng.

Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống; chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, người có công trong việc lưu giữ, truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Một số tỉnh miền núi, do nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí nguồn lực để phát triển văn hóa hết sức khó khăn.

Nguy cơ mai một văn hóa truyền thống

Đó là nhận định chung của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa khi đề cập đến việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, đặc biệt là nhóm DTTS rất ít người (dưới 10.000 người).

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS vẫn còn phổ biến, gây ra nhiều thách thức cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Thùy Chi

Theo ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, bên cạnh những kết quả tích cực thì chất lượng văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn còn hạn chế. Hiện có khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt; số người không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; bản sắc văn hóa một số dân tộc đang dần bị mai một. Tỷ lệ tảo hôn chung của 53 DTTS là 26,6%, trong đó có 40 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 13 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống ở một số DTTS còn cao, bình quân 6,5%.

Liên quan đến vấn đề này, anh Thò Mí Pó, Trưởng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho rằng, trong xu thế hội nhập và phát triển, nếu không được quan tâm đúng mức thì bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc sẽ dần bị mai một. Ở nhiều nơi, một số người DTTS không biết sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Những bộ trang phục truyền thống cũng bị cách tân theo hướng hiện đại, lai căng với các dân tộc khác. Kiến trúc nhà ở truyền thống dần bị phá bỏ, thay vào đó là những ngôi nhà xây dựng bằng bê tông theo kiến trúc hiện đại. Không chỉ vậy, các ngành nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, các phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc dần bị mai một, lai tạp và không còn giữ được nét văn hóa truyền thống…

Tiến sĩ Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm dữ liệu di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng di sản văn hóa phi vật thể bị mai một là do nghệ nhân dân gian ở các địa phương quá ít và đã cao tuổi, đồng thời lớp người kế tục lại không quan tâm nhiều đến văn hóa. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với nghệ nhân chưa được quan tâm đúng mức nên không thu hút được nhân tài truyền dạy phong tục, tập quán, tri thức dân gian cũng như giá trị của di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế tiếp. Vì thế, muốn bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa thì trước hết phải quan tâm đến nghệ nhân, bởi họ chính là những nhân tố quan trọng trong việc lưu giữ và bảo tồn di sản.

Theo Tiến sĩ Vũ Diệu Trung, đối với văn hóa các dân tộc ít người, luật tục và những tri thức liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên được người dân tuân thủ hết sức nghiêm túc. Vì vậy, ngoài những quy định của Nhà nước, đối với những tiêu chí mang tính chất vùng miền, tộc người, chúng ta phải đưa luật tục và tri thức bản địa về môi trường sinh thái lồng ghép vào thì mới có thể khích lệ và nâng cao được ý thức của người dân về giữ gìn môi trường cảnh quan. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người. Đây là những vấn đề cần thiết phải điều chỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới để công tác bảo tồn di sản văn hóa các DTTS được phát huy có hiệu quả.

Tiến sĩ Vũ Diệu Trung cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã lồng ghép với xây dựng đời sống văn hóa, mang lại những giá trị tốt đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, phong trào xây dựng nông thôn mới chỉ chú trọng đến những vấn đề về kinh tế chứ chưa thật sự đi sâu giải quyết những vấn đề liên quan đến văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa. Đây chính là một trong những khoảng trống cần được bổ sung trong thời gian tới.

Bài 4: Hiến kế để gìn giữ và vun đắp các giá trị văn hóa truyền thống

Thùy Chi


top