Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (bài 2)

Biên phòng - Trong những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, trong đó có chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS). Nổi bật trong số đó là tỉnh Hà Giang - địa phương vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 90% dân số toàn tỉnh với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Bài 2: Điểm sáng về gìn giữ “hồn cốt” văn hóa các dân tộc thiểu số

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo Ban Dân vận tỉnh Giang, trong thời gian qua, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Chợ phiên vùng cao - nét văn hóa truyền thống đặc sắc được các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang gìn giữ và phát huy. Ảnh: Thùy Chi

Chính quyền tỉnh Hà Giang luôn xác định, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, tỉnh Hà Giang có 3 Bảo vật quốc gia, 61 di sản văn hóa vật thể, 27 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận và xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Đặc biệt, Hà Giang có Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO từ năm 2010 và đang được bảo tồn, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm cho đồng bào. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Giang) được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một trong những điểm sáng trong việc bảo bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS tại Hà Giang - đó là địa phương này đã chú trọng phát huy người có uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Từ mô hình Hội nghệ nhân dân gian được thành lập đầu tiên tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vào năm 2003, đến nay, Hà Giang đã nhân rộng mô hình với 193 tổ chức Hội cấp xã và 1 tổ chức Hội cấp huyện với hơn 9.000 hội viên tham gia, trong đó có 18 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội thì ý thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân cũng ngày một nâng lên. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã tổ chức mở các lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục Lô Lô (huyện Mèo Vạc), dân tộc Dao (huyện Bắc Quang), dân tộc Tày (huyện Quang Bình); truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông (huyện Bắc Mê); dân tộc Tày (thành phố Hà Giang và và huyện Vị Xuyên). Ngành văn hóa cũng tổ chức khảo sát “Nghi lễ cúng rừng” của dân tộc Cờ Lao, xã Sính Lủng (Đồng Văn); bảo tồn và xây dựng phim tư liệu khoa học về “Nghề dệt của người La Chí”; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện Quang Bình.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học cho học sinh từ tiểu học đến Trung học phổ thông. Từ tài liệu này, các trường vận dụng, lồng ghép vào các môn học, thời gian học, vùng dân tộc…, đảm bảo phù hợp với điều kiện từng địa phương; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian trong việc truyền dạy văn hóa truyền thống. Việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy cho học sinh đã trở thành một hoạt động thường xuyên với nhiều hình thức phong phú.

“Quả ngọt” từ những chủ trương sát, đúng

Kết quả đạt được của tỉnh Hà Giang trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây. Được biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nghị quyết về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; Đề án Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025; Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch…

Thông qua việc chăm lo phát triển giáo dục cho con em đồng bào DTTS, Hà Giang chú trọng truyền dạy các kiến thức mới đi đôi với gìn giữ các tri thức bản địa, sắc màu văn hóa vùng cao cho thế hệ tương lai. Ảnh: Thùy Chi

Mặt khác, các địa phương trong tỉnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tổ chức biên soạn tin, bài, tiểu phẩm… bằng ngôn ngữ của nhiều dân tộc; tập trung tuyên truyền cổ động trực quan (pa nô, áp phích, khẩu hiệu); tuyên truyền lưu động; tuyên trên hệ thống loa phát thanh; tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt khu dân cư, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố…

Đặc biệt, năm 2021, Hà Giang tổ chức cuộc thi tuyên truyền lưu động cấp tỉnh cho 11/11 đội thông tin lưu động với chủ đề “Luật Di sản, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản”… Ngoài ra, Hà Giang cũng tăng cường đầu tư nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như: Trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, ẩm thực; khảo sát, sưu tầm và phục dựng các tiết mục văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống của các dân tộc ít người…

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, có được kết quả nêu trên là nhờ Hà Giang đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và của người dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, khách du lịch đến Hà Giang liên tục tăng. Địa phương này được đánh giá là 1 trong 10 điểm đến tiêu biểu của Việt Nam.

Ngoài các lễ hội lớn của quốc gia, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có hơn 20 lễ hội truyền thống, hầu hết là lễ hội dân gian còn lưu giữ được những phong tục, tập quán đặc trưng của các DTTS. Điển hình, dân tộc Pu Péo có lễ hội cúng thần rừng; dân tộc Lô Lô có lễ hội cúng tổ tiên; dân tộc Mông có lễ hội Gầu Tào; dân tộc Dao có lễ hội cấp sắc; dân tộc Tày có lễ hội Lồng Tồng; dân tộc La Chí có lễ hội mừng cơm mới...

Bài 3: Vẫn còn những thách thức cần được quan tâm giải quyết

Thùy Chi


top