Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (bài 1)

Biên phòng - Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong suốt chặng đường lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Bài 1: Phát triển văn hóa là một trong những ưu tiên của công tác dân tộc

Văn hóa các DTTS là một bộ phận cấu thành quan trọng, là di sản quý giá, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.

Nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đồng bào DTTS đã nâng cao nhận thức trong việc tổ chức mang ma theo hướng văn minh, hiện đại song vẫn giữ được phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Ảnh: Thùy Chi

Sơ lược về thực trạng DTTS Việt Nam

Đồng chí Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho biết, theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, nước ta có 14,2 triệu người DTTS với 3,4 triệu hộ dân, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước, trong đó, có 6 dân tộc có trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông); 14 dân tộc dưới 10.000 người (Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ); 5 dân tộc dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu). Tuổi thọ trung bình của người DTTS hiện nay là 69,9 tuổi (thấp hơn so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước: 73,2 tuổi).

Đồng bào DTTS đa số sinh sống thành cộng đồng ở 4 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có số người DTTS cao nhất (khoảng 7 triệu người), tiếp đến là khu vực Tây Nguyên (khoảng 2,2 triệu người), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2,1 triệu người), khu vực Tây Nam Bộ (1,3 triệu người), số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các DTTS đều sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh. Trong 51 tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS sinh sống thì 1 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm trên 90% dân số; 7 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 70-90% dân số; 4 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 50-70% dân số; 5 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 30-50% dân số; 12 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 10-30% dân số; 22 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm dưới 10% dân số.

Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài

Đó là một trong những quan điểm cơ bản được nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Nghị quyết này cũng khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của toàn bộ hệ thống chính trị; đồng thời xác định, phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng ở vùng DTTS và miền núi, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết vấn đề xã hội, chính sách dân tộc, quan tâm bồi dưỡng nguồn lực và đội ngũ cán bộ, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đến nay, nước ta có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được đầu tư bảo tồn gắn với phát triển du lịch, khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống của các dân tộc. Từ đó, nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng, điểm văn hóa, du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng DTTS.

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà, trong đó có văn hóa của các DTTS. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Đề cương Văn hóa Việt Nam (năm 1943) của Đảng đã xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam dân tộc, đại chúng và khoa học, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế. Quan điểm của Đảng khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam luôn là sức mạnh nội sinh bền vững trong quá trình giao lưu, hội nhập trở thành động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nên bản lĩnh Việt Nam hòa mình cùng “dòng chảy” của văn hóa nhân loại.

Đến nay, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống... được các cấp, các ngành quan tâm. Hiện nay, có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Các ngành chức năng đã thực hiện được 407 dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; có 145 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia. Sau 2 đợt xét tặng (năm 2015 và 2019), đã có 559 nghệ nhân là người DTTS được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước. Công tác bảo tồn, phát triển một số môn thể thao dân tộc cơ bản đạt mục tiêu; một số vận động viên là người DTTS được tuyển chọn tham gia thi đấu tại các giải thể thao quốc gia, khu vực và thế giới.

Đặc biệt, các lễ hội văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy. Một số hủ tục, mê tín dị đoan từng bước được hạn chế, loại bỏ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS.

Việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS được thực hiện thông qua các hình thức tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa cấp vùng, miền, khu vực, từng dân tộc và các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; các xuất bản phẩm phục vụ trẻ em DTTS được khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; tủ sách cho các thư viện công cộng và tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở được tăng cường các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng DTTS và tiếng phổ thông.

Tại nhiều vùng đồng bào DTTS, trang phục truyền thống được bà con bảo tồn, gìn giữ trong đời sống hằng ngày. Ảnh: Thùy Chi

Chăm lo “làm giàu” giá trị văn hóa các DTTS

Để bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS, hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của DTTS ít người do chính các nghệ nhân - chủ thể nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ các dân tộc. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về văn hóa các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đặc biệt, thông qua việc định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc…; Giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc như tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Mường, Dao...; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào... đã tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trên cả nước. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trước đây, sau này là Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, nhất là các vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS…

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các DTTS được các cấp, các ngành quan tâm. Đến nay, trên cả nước, đã có hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trên tổng số gần 300 di sản văn hóa phi vật thể của cả nước). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thực hiện hơn 400 dự án sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam.

Bài 2: Điểm sáng về gìn giữ “hồn cốt” văn hóa các dân tộc thiểu số

Thùy Chi


top