Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Bắc Mê quyết tâm đẩy lùi hủ tục lạc hậu

Biên phòng - Nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, góp phần đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy và Chỉ thị 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quyết tâm đẩy lùi các hủ tục trên địa bàn huyện.

Cán bộ Ban Dân vận huyện Bắc Mê đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: CTV

Huyện Bắc Mê có 139 thôn, tổ dân phố với hơn 11.000 hộ, trên 56.000 nhân khẩu, với 18 dân tộc cùng sinh sống. Trong đời sống của đồng bào, có nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa đặc trưng của dân tộc. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được thể hiện trong việc cưới, việc tang và các lễ hội truyền thống của từng dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều hủ tục vẫn tồn tại, đám cưới, đám tang còn tổ chức rườm rà; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra; một số lễ hội truyền thống chưa được khôi phục và phát huy; đời sống sinh hoạt của một bộ phận nhân dân chậm phát triển, chưa theo kịp sự phát triển chung của xã hội.

Ngay sau khi có Chỉ thị 09, Nghị quyết 27, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Mê đã tổ chức hội nghị, phổ biến quán triệt đến toàn thể cán bộ chủ chốt của huyện. Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia nghiên cứu học tập.

Kết quả, huyện đã tổ chức được 359 hội nghị tuyên truyền với 22.800 lượt người tham gia, 42 hội nghị tọa đàm trên 1.400 lượt người; tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền như tuyên truyền miệng, qua loa di động bằng tiếng dân tộc thiểu số tại các buổi sinh hoạt đoàn thể; tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số tại các phiên họp chợ được trên 325 lần; tổ chức 1 lớp tập huấn, 56 cuộc kiểm tra, giám sát, xử lý 1 trường hợp. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 5 kế hoạch, 2 chương trình, 3 quyết định, 1 đề án về cải tiến đám tang, 1 quy định về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên.

Ông Bồn Văn Quốc, Trưởng ban Dân vận huyện Bắc Mê cho biết, từ khi có Chỉ thị 09 cũng như là Nghị quyết 27, huyện đã vận động được 18 cặp tảo hôn hoãn hôn. Trong việc tang, huyện đã tuyên truyền, vận động được 3 dòng họ người Mông và 16 hộ người Dao đưa thi hài người chết vào áo quan.

Cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động bà con thực hiện Đề án 02 về cải tiến đám tang trong nhân dân giai đoạn 2022-2024. Ảnh: CTV

Thực hiện Đề án số 02 của Huyện ủy Bắc Mê về việc cải tiến đám tang trong nhân dân giai đoạn 2022-2024. Huyện ủy Bắc Mê đã chỉ đạo tất cả các chi bộ trực thuộc đảng ủy và 100% cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức ký cam kết xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các dòng họ Mông, Dao, Tày, thầy cúng, thầy mo, người có uy tín, trưởng dòng họ trên địa bàn, quyết tâm đẩy lùi hủ tục.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, ý thức, nhận thức của người dân từng bước thay đổi, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm thiểu đáng kể, đám cưới, đám tang đã từng bước được thực hiện theo nếp sống văn minh. Điển hình như đám hiếu của gia đình ông Sằm Văn Quế ở thôn Mà Xá, xã Yên Định, người nhà ông Quế đã qua đời từ tháng giêng, nhưng đến tháng 8 gia đình mới làm ma khô theo phong tục địa phương, đây là đám tang thứ 5 của thôn được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Trước đây, đám hiếu kéo dài từ 3 đến 4 ngày, thì nay chỉ còn 2 ngày, thủ tục cúng trâu, bò, lợn giảm hẳn, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.

Ở Bắc Mê, xã Giáp Trung có trường hợp em Bồn Văn Mành, 14 tuổi, khi đang học lớp 7 tại Trường Trung học cơ sở Giáp Trung, huyện Bắc Mê, Mành suýt chút nữa lập gia đình do sự thúc ép của bố mẹ. Em tâm sự: Bố nói, bố không có sức khỏe để lao động nên ép em lấy vợ để có thêm người làm.

Trong suy nghĩ của Mành còn chưa hình dung được cuộc sống gia đình sẽ như thế nào, trách nhiệm đối với người mà em gọi là vợ ra sao, vì còn quá nhỏ em không có khả năng để phản đối lại sự sắp đặt cưới hỏi của cha mẹ. Rất may, cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời phát hiện, tuyên truyền cha mẹ Mành thay đổi suy nghĩ. Do vậy, Mành tiếp tục được đến trường học tập, vui chơi cùng bạn bè, thiệp cưới của Mành ghi rõ ngày giờ kết hôn cũng được hoãn bỏ. Câu chuyện như của Mành không phải hiếm ở Hà Giang, tảo hôn vẫn là vấn đề nhức nhối, đây cũng là một trong những nội dung của Nghị quyết 27 đang tập trung tuyên truyền đẩy lùi xóa bỏ.

Ông Bùi Văn Tuân, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê cho biết, đối với cán bộ đảng viên khi gia đình có người thân qua đời thì họ phải gương mẫu thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên phải vận động gia đình, anh em, dòng tộc của mình không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống nghiêm túc thực hiện theo chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chỉ thị 09, Nghị quyết 27 và Đề án 02 cũng như Quy định nêu gương trong cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công cuộc đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục ra khỏi đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Mê.

Sau hơn 2 năm triển khai Chỉ thị số 09 của Tỉnh ủy và 1 năm thực hiện Nghị quyết 27, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê đã thu được kết quả quan trọng. Nhận thức của đảng viên và nhân dân các dân tộc về xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu có sự chuyển biến tích cực, rõ nét; kinh tế có bước phát triển; các hoạt động về văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân huyện Bắc Mê, các hủ tục sẽ không còn chỗ đứng trong đời sống của người dân.

Ái Vân


top